Bối cảnh lịch sử Du kích sông Thao

Sông Thao là nhánh chính của sông Hồng, chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam ở tỉnh Lào Cai, chảy qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ.

Sau hàng loạt thất bại của nhiều cuộc tấn công căn cứ địa Việt Bắc, thời kì Thu - Đông năm 1947, thực dân Pháp bắt đầu chuyển hướng chiến lược chiến tranh, thành lập Khu quân sự Tây Bắc (SANO) gồm có nhiều phân khu trực thuộc, dưới phân khu là các tiểu khu. Phía hữu ngạn sông Hồng, nơi tiếp giáp giữa tỉnh Yên Bái và Lào Cai, chúng lập hệ thống đồn bốt dày đặc, trong đó có lực lượng chính quy của Pháp và ngụy quân người Thái. Cuối tháng 4 năm 1949, Bộ Tổng tư lệnh Việt Minh quyết định mở chiến dịch Sông Thao nhằm tiêu diệt một phần sinh lực của địch, phá tan khối ngụy quân Thái trắng, phá vỡ một phần lớn phòng tuyến của địch, đồng thời mở rộng căn cứ Tây Bắc từ sông Thao đến sông Đà.[3][6]

Chiến dịch sông Thao

Tham gia chiến dịch này, ngoài năm tiểu đoàn chủ lực, pháo binh, năm đại đội độc lập của Trung đoàn 115, còn có rất nhiều chiến sĩ du kích và dân công vùng này và các vùng lân cận, gọi chung là lực lượng du kích sông Thao.[3][6] Lực lượng này đã góp phần cung cấp hàng trăm tấn gạo, hàng nghìn kg thực phẩm, làm mảng vượt sông, huy động hàng trăm ngựa thồ cũng như trực tiếp tham gia chiến dịch.[6]

Chiến thắng của chiến dịch

Chiến dịch Sông Thao có ý nghĩa và tầm vóc lớn. Đây là lần đầu tiên, bộ đội ta thực hiện thành công lối đánh công kiên vào đồn địch ở quy mô cấp tiểu đoàn. Toàn bộ hệ thống đồn bốt của Pháp đã bị gỡ bỏ, trong đó có những đồn lớn trên đất Yên Bái như đồn Gióm, đồn Đại Bục, Đại Phác ở huyện Văn Yên và nhiều đồn khác thuộc huyện Văn Bàn đồng thời đã mở rộng được một vùng tự do rộng lớn ở tỉnh Yên Bái. Ta tiêu diệt 9 và bức rút 16 vị trí làm cho phòng tuyến Sông Thao vỡ một mảng dài 70 km. Địch bị diệt 230 tên (có 51 lính Pháp, 124 lính khố đỏ và 55 lính dõng), bị thương 150 tên, bị bắt 58 tên (có 11 lính Pháp) và 300 tên tề điệp và phản động. Ta thu: 1 trọng liên 12,8 mm, 5 đại liên, 12 trung liên, 2 cối 81mm, 7 cối 60 mm, 250 súng trường, 22 tiểu liên, 2 súng ngắn, nhiều đạn dược và đồ quân dụng. Ta đốt 1 kho xăng, 1 kho gạo; mở rộng được cơ sở địch hậu trên 3.000 km2, tổ chức được đường liên lạc thông suốt giữa các khu tự do của 3 tỉnh Sơn La, Yên Bái, Lào Cai. Ta hy sinh 86 người, bị thương 222 người. Với chiến thắng này, quân ta đã phá vỡ một mảng lớn phòng tuyến Sông Thao của địch; tiêu diệt 1 tiểu đoàn, phá hơn 20 đồn lớn nhỏ, giải phóng một vùng rộng lớn gồm 6.000 km2 với 82 làng bản và hơn 2 vạn dân; mở thông được đường liên lạc giữa vùng tự do với khu căn cứ hậu địch ở Sơn La, Yên Bái, Lào Cai đưa cuộc đấu tranh du kích Yên Bái phát triển lên một bước mới là điểm tựa vững chắc cho chiến thắng Nghĩa Lộ giải phóng hoàn toàn tỉnh Yên Bái.[3]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Du kích sông Thao http://daidoanket.vn/nhac-si-do-nhuan-can-bo-viet-... http://hoalo.vn/Articles/15/23726/nhac-sy-%C4%91o-... http://www.lyrics.vn/lyrics/9783-du-kich-song-thao... http://btlsqsvn.org.vn/Remarkable-Battles/bai-viet... http://www.hbso.org.vn/NhaSoanNhacDetails.aspx?q=V... http://giaidieutuhao.vtv.vn/chitiet/chuyen-tinh-la... https://www.youtube.com/watch?v=FKPPSFLtTcQ https://www.youtube.com/watch?v=fYFJ1BvU1pE https://www.youtube.com/watch?v=jLTLvlvJuhI https://bcdcnt.net/sheet/du-kich-song-thao-2009.ht...